Tháng Mười này, trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn tiểu thuyết “Thông Ba lá” của tác giả Lê Huỳnh Đức. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả nam trẻ mang đến những điều bất ngờ về câu chuyện tình yêu đan xen lẫn những vụ án bí ẩn xảy ra ngay tại thành phố Đà Lạt thơ mộng nhất của các đôi yêu nhau.
“Thông Ba lá” xoay quanh cuộc đời, tình yêu của Quỳnh, Khoa, Bình, Helly và vài tuyến nhân vật phụ khác. Câu chuyện đan xen những tình tiết quá khứ và hiện tại, giữa những đời thường và vài mộng mị huyền bí, giữa thực tế và niềm tin vào duyên phận. Cuốn tiểu thuyết kể chi tiết về lịch sử thú vị của nhà ga Đà Lạt nổi tiếng, về Đà Lạt khoảng 20-30 năm trước, về những đổi thay của Đà Lạt trong quá khứ và hiện tại để cùng lên tiếng bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ Đà Lạt, xứ cao nguyên độc đáo nói riêng.
Tiểu thuyết Thông Ba Lá
Thông Ba lá đề cập đến một khía cạnh khá mới trong tình yêu và công việc. Quỳnh, một cô gái hiền lành với tuổi thơ bất hạnh nhưng lại tiềm ẩn một sự mạnh mẽ quyết đoán nội tâm. Quỳnh có một tiệm xăm hình khá nổi tiếng tại Sài Gòn với niềm tin mãnh liệt vào chữ “Tùy Duyên” – là một hình xăm trên tay cô. Để chữ “Tùy Duyên” đó áp vào cuộc đời mình với những duyên phận thật tréo ngoe.
Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết khai thác một đề tài mới trong y học và mang một chút yếu tố tâm linh chính là hình ảnh con người trong trạng thái cận tử. Trạng thái này, đến nay, trên báo chí và nghiên cứu khoa học cũng nhiều người nhắc tới. Nhưng để dệt thành câu chuyện tình yêu lãng mạn thì có lẽ Thông Ba lá là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên đề cập tới.
Thông Ba lá, khai thác tâm lý nhân vật Quỳnh ở độ tuổi 29 đặc biệt. Ngưỡng tuổi đôi mươi, lại ngấp nghé ba mươi, hoang mang trong sự nghiệp, hẫng hụt trong tình yêu. Không ít lần vì sự vội vàng mà gặp những mối tình dở dở ương ương, không đầu và không kết. Quỳnh có những mơ ước giản dị về tình yêu, con cái và cô cũng yêu mãnh liệt khi dám từ bỏ tất cả để theo tiếng gọi tình yêu.
Về cuộc đời của Khoa, từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành đều gắn với hình ảnh Đà Lạt. Từ những trò chơi đặc trưng, tới những tòa biệt thự kiểu pháp, Dinh Bảo Đại, Nhà ga Đà Lạt, hay những buổi đi học chìm trong màn sương giăng sáng sớm. Khoa hiền lành và xuất sắc vì muốn thoát cảnh nghèo mà cố gắng phấn đấu cả tuổi trẻ.
Tác giả Lê Huỳnh Đức
Bình là nhân vật phản diện chính vừa đáng thương vừa đáng ghét. Bình yêu một cách mù quáng, sẵn sàng làm tất cả để đạt lấy tình yêu nhưng lúc nào cũng ảo tưởng cả thế giới quay lưng lại với mình. Cả cuộc đời, Bình vẫn không thoát ra được vòng luẩn quẩn của tình yêu và thù hận.
Helly là một cô gái hoàn hảo. Nhưng kết thúc dành cho Helly là một kết thúc mà chắc chắn chỉ có Lê Huỳnh Đức với sức sáng tạo và tình yêu dành cho Đà Lạt mới có thể viết ra được như vậy.
Truyện kết thúc với cảnh hoa tự nhiên nở và đẹp đẽ cứ thế tỏa sắc hương, mặc cho có ai ngắm nhìn hay thưởng lãm thì nó vẫn yêu đời và làm điều mình muốn. Mỗi người đều có hành trình tìm kiếm tình yêu của riêng mình, nếu chưa tìm thấy có nghĩa là vẫn phải tiếp tục hành trình ấy. Chúng ta đều phải đi tìm hạnh phúc cho chính mình.
Được biết, tác giả Lê Huỳnh Đức còn kết hợp cùng nhạc sĩ Hồ Lương Công Bình và ca sĩ Nguyên Hà giới thiệu ca khúc chủ đề Điều Ngọt Ngào Khi Chờ Đợi Anh.
Khi đọc tiểu thuyết Thông Ba Lá, nhạc sĩ Hồ Lương Công Bình đã hình dung được khung cảnh và màu sắc bài hát mà mình muốn viết. Đồng thời ngay từ lúc sáng tác anh đã nghĩ đến giọng hát của chị Nguyên Hà. Sau này khi bài hát đã hoàn chỉnh rồi, qua sự kết nối của một người bạn, nhạc sĩ đã ngỏ lời nhờ chị Nguyên Hà thể hiện và được chị đồng ý.
Diễn viên Đức Tiến nhận xét về tiểu thuyết Thông Ba Lá