Nghệ sĩ sinh ra để phục vụ khán giả. Cả cuộc đời họ gần như gắn liền với ánh đèn sân khấu, với những vở diễn, bài hát, ca tuồng. Để có được những giây phút thăng hoa với tiếng vỗ tay của người hâm mộ, nghệ sĩ phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ trong đời, trong đó có sự riêng tư. Thậm chí đến lúc về với Tổ nghiệp, sự riêng tư ấy dường như vẫn không thể thuộc về họ một cách trọn vẹn.
Khi lễ tang trở thành đề tài câu view, hút khách
Mấy ngày qua, giới nghệ sĩ xôn xao, bàng hoàng khi nghe tin nam danh hài Anh Vũ đột ngột ra đi trong chuyến lưu diễn cùng anh em bên Mỹ. Cả showbiz tiếc thương một tài năng sân khấu, khán giả cũng ngậm ngùi tiễn biệt thần tượng của một thuở thanh xuân.
Nghệ sĩ hài Anh Vũ là một trong những gương mặt gắn liền với thế hệ tuổi thơ 9x qua những vai diễn vui nhộn, hài hước. Nguồn: Internet.
Để Anh Vũ có thể yên nghỉ nơi quê cha đất Tổ, NSND Hồng Vân cùng các anh chị em nghệ sĩ hải ngoại và trong nước đã chung tay ủng hộ một khoản tiền. Ngày 9/4/2019, anh về với quê hương, với bạn bè và những người yêu thương anh tại Việt Nam.
Gia đình, người thân bùi ngùi tiễn đưa nam nghệ sĩ. Nguồn: Internet
Nghệ sĩ Việt cùng nhau đến viếng người đồng nghiệp, khán giả cũng ghé qua thắp cho anh nén hương tiễn biệt, mong anh yên nghỉ chốn suối vàng. Thế nhưng, trong dòng người đông đúc, tấp nập nơi tang lễ, có những gương mặt không phải đồng nghiệp cũng chẳng phải khán giả mến mộ của anh. Vậy họ là ai?
Dòng người chen lấn trước đám tang, trên tay ai cũng cầm điện thoại, máy quay để “tác nghiệp”. Nguồn: Internet
Vâng, họ là khách vãng lai, là người tiện đường, hay nói đúng ra họ là những người “đưa tin” không trực thuộc bất cứ cơ quan báo chí nào. Trên tay họ cầm điện thoại, thậm chí là máy ảnh có kèm theo chân máy để chụp ảnh, để livestream, để check in cho toàn thể cộng đồng mạng biết rằng: tôi đang ở đây.
Nhìn cảnh các anh bảo vệ phải dàn hàng chặn dòng người đang “lăm le” ùa vào lễ viếng, người ta mới thấu hiểu sự trớ trêu của đời nghệ sĩ. Trong đám đông xô bồ, hỗn tạp đó, bao nhiêu người thật sự quý mến, tiếc thương cho Anh Vũ. Hay họ chỉ nhắm vào những nghệ sĩ khác đang đi viếng anh, nhắm vào bốn chữ “đám tang Anh Vũ” để có thể câu like, câu view cho sản phẩm sắp tung lên Facebook, YouTube của mình!?
Ai cũng tích cực livestream để câu view. Nguồn: Internet
Nữ diễn viên Ngọc Lan đã không kìm được bức xúc khi chứng kiến cảnh tượng trên. Cô viết trên Facebook cá nhân sau khi đi viếng đàn anh về: “Khi thời đại 4.0 lên ngôi, người ta chẳng cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần lượt view cao là họ có thể chiễm chệ mỗi tháng nhận 400-500 triệu, thì đây, hệ quả của việc này là đây. Trước đây, các bạn lên án các phóng viên đi tác nghiệp đám tang thì giờ đây các bạn nhìn xem, trong những tấm hình này có ai là phóng viên không? Hay chỉ toàn những con kềnh kềnh hôi thối đang chực chờ để kiếm tiền?
Có tàn nhẫn quá không các bạn? Giờ mới thấy tội phóng viên, họ cũng chẳng vui vẻ gì khi tác nghiệp những sự kiện này, nhưng vì đó là công việc, sếp giao sao làm vậy, nhưng họ cũng không quá đáng như những con người này, họ chỉ âm thầm lặng lẽ tác nghiệp vì họ có trái tim”.
Người nhà nghệ sĩ Anh Vũ xót xa đưa tiễn anh về nơi yên nghỉ cuối cùng. Nguồn: Internet
Bên trong, đồng nghiệp, người thân nước mắt lưng tròng, có người bàng hoàng, không tin đây là sự thật. Bên ngoài, dòng người vẫn chen chút, nhốn nháo, miệng vẫn huyên thuyên bình luận, tay vẫn tích cực bấm máy, quay phim. Sự đối lập đến xót xa đã làm bật lên nỗi đau của nhiều người nghệ sĩ: Sự riêng tư của họ bị xúc phạm nặng nề ngay cả khi họ đã ra đi mãi mãi.
Quyền riêng tư của nghệ sĩ cần được tôn trọng
Trấn Thành từng chia sẻ: “Nghệ sĩ bán sản phẩm nghệ thuật, không bán đời tư”. Nhưng nhiều khán giả lại thấy rằng: Đời tư nghệ sĩ mới thật đáng giá và đáng quan tâm. Ca sĩ A mặc gì, ăn gì, yêu ai? Diễn viên B khi nào cưới, khi nào sinh con, sao lâu rồi không khoe hàng hiệu? Hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi được đặt ra mỗi ngày như thế, đến nỗi nhiều nghệ sĩ phải “ngụy trang” như thám tử mỗi khi ra đường vì không muốn bị làm phiền.
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, không ai có thể yêu cầu “hãy làm đám tang bí mật” cho bản thân trước lúc ra đi. Nhưng chính vì không thể yêu cầu nên ngay cả khi yên nghỉ, họ vẫn trở thành đề tài câu view của những người tò mò đến vô tình, phản cảm.
Không riêng gì lễ viếng của nghệ sĩ Anh Vũ, trước đây đã có không ít trường hợp đám tang nghệ sĩ bị làm loạn bởi những thành phần “đưa tin” bất chấp như thế. Chưa nói đến đạo đức trong truyền tải tin tức, chỉ mỗi khung cảnh nhốn nháo, xô bồ cũng đã làm mất đi sự văn minh, tính tôn nghiêm nơi tang lễ. Một số nghệ sĩ đến viếng cũng “hoảng hồn’ vì đột nhiên bị “fan’ chạy tới xin chữ ký, chụp ảnh lưu niệm như trường hợp của danh hài Hoài Linh.
Nghệ sĩ Hoài Linh trở thành tâm điểm chú ý khi đi viếng đồng nghiệp. Nguồn: Internet
Nghệ sĩ là người của công chúng, nhưng cũng là người bình thường. Họ có quyền được tôn trọng sự riêng tư. Tình yêu mến, sự quan tâm của khán giả quả thật là món quà vô giá với những người làm nghệ thuật. Nhưng yêu mến, quan tâm không đồng nghĩa với tò mò, soi mói. Huống hồ chi trong hoàn cảnh tang gia bối rối thế này, hành động, lời nói của mỗi người cần được chú ý hơn bao giờ hết. Nó vừa thể hiện sự tôn trọng, thành kính với người đã mất, vừa cho thấy thái độ sống văn minh và đạo đức của một con người.
Cả đời hết mình về nghệ thuật, người nghệ sĩ chân chính xứng đáng được nhận sự tôn trọng từ phía khán giả. Sự quan tâm, để ý ở mức độ phù hợp với những hành động văn minh, lịch sự cũng được xem là biểu hiện của sự trân trọng, tôn vinh mà khán giả dành cho họ.
Đ.H.T